Thay đổi để gỡ nút thắt, thu hút đầu tư logistics tại Việt Nam

Adminstrator 10:58:03 15/12/2020 View 3224 Font Size

Sáng 12.11, tại hội nghị thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam 2020 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistis Việt Nam, cho biết: Ngành logistics có vị trí quan trọng trong chuỗi cung ứng, đóng vai trò quan trọng trong dịch vụ thương mại, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, đặc biệt là trong bối cảnh COVID-19, logistics là chìa khóa giúp cho việc giao hàng online khi bị giãn cách xã hội.

Việt Nam hiện có khoảng 4.000-4.500 doanh nghiệp cung cấp logistics trực tiếp và có đến hơn 30.000 công ty liên quan, trong đó có khoảng hơn 90% là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Theo nghiên cứu của hiệp hội, tại Việt Nam chi phí cho logistics hiện chiếm khoảng 16,8%-17% GDP tương đương về quy mô thì khoảng 42 tỉ USD, đóng góp khoảng 4% vào GDP. Tuy nhiên, chi phí logistics tại Việt Nam còn cao so với các nước phát triển xung quanh.

“Nguyên nhân là đường biển nước ta khá dài, chi phí đường bộ cao và có nhiều chi phí khác. Chúng tôi đang cố gắng để kéo giảm chi phí xuống vào khoảng 14-15% GDP” - ông Hiệp nói.

Theo TS Vũ Tiến Lộc, logistics là mạch máu của nền kinh tế, quyết định đến tính cạnh tranh của từng quốc gia, của từng doanh nghiệp. Một ngành logistics vững mạnh là chìa khóa để Việt Nam tham gia tích cực vào chuỗi giá trị toàn cầu. Dưới ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và đại dịch COVID-19 trên toàn cầu, ngành dịch vụ logistics đang có những thay đổi lớn đòi hỏi cả thế giới phải thay đổi để thích hợp trong giai đoạn mới. Tuy nhiên, logistics ở Việt Nam vẫn đang là một “điểm nghẽn” bởi chi phí logistic ở Việt Nam đang ở mức cao nhất khu vực và thế giới.

“Việt Nam cần khắc phục điểm nghẽn này, tạo ra bước đột phá trong phát triển logistic. Có những cơ hội trong phát triển lĩnh vực này, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin và số hóa” - TS Vũ Tiến Lộc nêu ý kiến.

Cần quan tâm: Chính sách và hạ tầng

Mặc dù đánh giá logistics của Việt Nam đã có nhiều cải thiện, từ vị trí thứ 64 cách đây 2 năm, Việt Nam đã tăng lên vị trí thứ 39 trên toàn cầu trong bảng xếp hạng chỉ số hiệu suất dịch vụ logistics (LPI), đứng trên các nền kinh tế có quy mô lớn hơn so với một số nước cùng khu vực như: Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, tuy nhiên, ông Shige Sakaki - Chuyên gia cao cấp phụ trách về giao thông vận tải của Ngân hàng Thế giới - cho rằng, logistics của Việt Nam có hai vấn đề cần quan tâm: Chính sách và hạ tầng.

“Chúng ta có thể so sánh chỉ số và hiệu quả thực tế của Việt Nam hiện nay. Cần xác định các khu vực cần tăng cường kết nối như về cảng biển, cảng hàng không ở các thành phố lớn” - ông Shighe Sakaki nhấn mạnh.

Nói về cơ hội và thách thức trong việc đầu tư, phát triển của ngành logistics hiện nay, ông Lê Duy Hiệp cho rằng, năng lực vận tải quốc tế của các ngành logictics Việt còn rất yếu. Hiện nay vẫn chưa có công ty vận tải biển nào có thể đảm đương được việc chuyên chở hàng hóa Việt ra thị trường quốc tế. Trong khi đó, việc phát triển logictics chuyên dụng bằng hàng không, máy bay chuyên vận chuyển hàng hóa còn yếu.

Chính phủ đã nhìn thấy rõ “nút thắt” này và đang quan tâm hỗ trợ cho các doanh nghiệp logistics. Về phía mình, các doanh nghiệp cũng nhận rõ việc cần những công nghệ mới để đáp ứng yêu cầu của thương mại điện tử, chuỗi cung ứng lạnh, tự động hóa trong quản trị kho hàng cũng như mảng logistics đô thị cần sự phát triển hơn nữa với sự hậu thuẫn mạnh mẽ của công nghệ số.

Liên quan đến việc chuyển đổi số đối với các doanh nghiệp logistics vừa qua Chính phủ đã có nhiều chỉ thị, quyết định về chuyển đổi số. Hiện có khoảng 40% doanh nghiệp logistics đã áp dụng chuyển đổi số, khá nhiều doanh nghiệp đã đi đầu như tại cảng Cát Lái đã áp dụng khai quan và các dịch vụ khác hoàn toàn điện tử. Tuy nhiên do doanh nghiệp logistics Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ do đó việc tiếp cận vốn, tài chính còn hạn chế, công nghệ khó lựa chọn do còn hạn chế về nguồn lực.

st

 

10/10 1074 bài đánh giá
0936 842 886
messenger icon zalo icon